Cùng với sự tăng trưởng “chóng mặt” của thị trường xe máy, kinh doanh dầu nhớt trở thành một mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu kinh doanh, bạn cần trang bị một số kiến thức cơ bản về mặt hàng này. Dưới đây là những thông tin hữu ích.
1. Chức năng và tác dụng
Quá trình sinh công của xe máy bắt nguồn từ động cơ, khi vận hành, các bộ phận bên trong sẽ chuyển động không ngừng. Những bộ phận này đều được tạo nên từ kim loại, vì vậy, khi chuyển động sẽ tạo nên sự ma sát và làm cho nhiệt độ tăng lên.
Dầu nhớt đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình vận hành xe máy
Lúc này, dầu nhớt sẽ giúp bôi trơn các bộ phận bên trong để loại bỏ ma sát. Khi xuất hiện ma sát, nhiệt được sinh ra và thường được gọi là động cơ chạy khô (dry running). Hiện tượng này rất nguy hiểm, do ma sát càng lớn thì nhiệt càng cao có thể dẫn đến cháy nổ.
Bên cạnh đó, hiện tượng ma sát giữa các bộ phận kim loại trong động cơ khi chuyển động còn khiến chúng mài vào nhau. Tình trạng này kéo dài sẽ làm hư hỏng các bộ phận, tốn kém nhiều chi phí sửa chữa.
2. Chỉ số về độ nhớt
Độ nhớt là thông số quan trọng được dùng để xếp loại dầu nhớt. Chỉ số độ nhớt sẽ cho biết dầu nhớt chảy như thế nào ở một nhiệt độ xác định (nhiệt độ đo theo tiêu chuẩn là ở 40 độ C và 100 độ C). Chỉ số này càng cao thì nhớt càng đặc và khả năng giảm ma sát càng tốt hơn khi dầu nóng lên. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các loại nhớt có độ nhớt cao (nhớt đặc) lại tốt hơn nhớt có độ nhớt thấp (nhớt loãng).
Độ nhớt cần lưu ý khi chọn dầu nhớt
Nhớt càng đặc thì tốc độ chảy qua các khe máy càng chậm, khi khởi động vào trời lạnh hay lúc máy nguội (buổi sáng) nhớt chưa đến được các chi tiết bên trong. Nếu xe phải vận hành ngay sẽ tạo ra nhiều ma sát dẫn đến mài mòn và sinh nhiệt. Vì thế, nhớt có độ nhớt cao thường được dùng cho xe cũ và nên đề nổ một lúc trước khi chạy.
Trong khi đó, nhớt loãng hay nhớt có độ nhớt thấp hơn sẽ cho tốc độ chảy nhanh hơn. Nhớt loãng thường được sử dụng cho các xe mới và xe đi lại các đoạn ngắn trong nội thành.
Dựa vào độ nhớt, trên thị trường hiện nay có hai loại là nhớt đa độ nhớt (nhớt đa cấp) và nhớt đơn cấp. Nhớt đa cấp được ký hiệu theo dạng xWy, ví dụ: 10w40, 5w30, 20w50… trong khi nhớt đơn cấp chỉ xW, ví dụ: 5W hay 10W.
Ở nhiệt độ thấp hơn 40 độ C, nhớt đa cấp chảy như dầu có độ nhớt ở số đứng trước chữ w và ở nhiệt độ cao hơn 100 độ C nhớt chảy như dầu có độ nhớt ở số đứng sau chữ w. Ví dụ, độ nhớt là 10w40, khi ở nhiệt độ 40 độ C nó sẽ chảy như dầu có độ nặng là 10 (khá loãng) và khi ở nhiệt độ 100 độ C nó sẽ chảy như dầu có độ nặng là 40.
3. Những tiêu chuẩn về dầu nhớt
Để đánh giá chất lượng cũng như phân biệt các loại dầu nhớt cho từng dòng xe, một số tiêu chuẩn đã được đặt ra. Các tiêu chuẩn này sẽ được in trên nhãn để giúp người sử dụng chọn được loại nhớt phù hợp.
Thông số dầu nhớt luôn được in trên nhãn chai
- Tiêu chuẩn API: Là tiêu chuẩn về chất lượng được quy định bởi Viện nghiên cứu dầu mỏ Mỹ, ký hiệu bắt đầu là SA và nay đã được nâng lên mức SN, trong đó chữ S để chỉ nhớt cho động cơ xăng, chữ N là cấp chất lượng nhớt.
- Tiêu chuẩn SAE: Là tiêu chuẩn phân loại theo độ nhớt được ký hiệu là SAE, ví dụ: SAE 10w30, 5w40 hay 20w50….
- Tiêu chuẩn JASO: Là tiêu chuẩn được dùng cho dầu nhớt xe gắn máy động cơ 4 thì được quy định bởi Tổ chức tiêu chuẩn ô tô và xe máy Nhật Bản. Hiện nay, dầu nhớt phổ biến trên thị trường sẽ có JASO MA, MA2 dành cho xe số hoặc MB cho xe tay ga.
4. Các dòng dầu nhớt
Với sự phát triển không ngừng của khoa học, dầu động cơ cũng từng bước cải tiến để đạt hiệu quả tốt hơn. Nếu tìm hiểu về dầu nhớt bạn sẽ biết rằng có dầu nhớt được chia làm 3 loại là dầu nhớt tổng hợp, dầu nhớt bán tổng hợp và dầu nhớt thông thường.
4.1. Dầu nhớt tổng hợp
Dầu nhớt tổng hợp được ký hiệu trên chai nhớt bằng dòng chữ Full Synthetic. Đây là loại dầu nhớt được ưa chuộng nhất nhờ khả năng bôi trơn hoàn hảo, giúp xe vận hành êm ái và tiết kiệm nhiên liệu. Là sản phẩm được đặc chế trong phòng thí nghiệm, dầu tổng hợp có thể giúp xe đạt công suất tối đa nhưng vẫn đảm bảo chống lại sự ma sát và mài mòn.
Dầu tổng hợp có thể giúp các bộ phận của động cơ luôn sẵn sàng mà không phải chạy khô, rất phù hợp cho điều kiện thời tiết lạnh. Loại dầu này sở hữu độ bền cao nên có thời gian sử dụng lâu hơn hai loại còn lại nhưng đổi lại giá thành của nó cũng cao hơn.
4.2. Dầu nhớt bán tổng hợp
Dầu nhớt bán tổng hợp (Semi Synthetic) hay dầu nhớt hỗn hợp (Blend Synthetic) là sự kết hợp của dầu động cơ thông thường và dầu nhớt tổng hợp. Bằng cách này, các nhà sản xuất có thể mang đến những lợi ích từ dầu nhớt tổng hợp nhưng vẫn đảm bảo giá thành không quá cao.
4.2. Dầu nhớt thông thường
Dầu nhớt thông thường (Conventional oil) còn được là dầu khoáng, khả năng bảo vệ động cơ chỉ ở mức cơ bản. Ngoài ra, dầu khoáng nhanh xuống cấp nên cần thay dầu thường xuyên hơn. Đây là loại dùng thường dùng khi xe mới lăn bánh phải chạy rô-đai trước khi chuyển sang dầu bán tổng hợp hoặc dầu tổng hợp.
5. Cách chọn dầu nhớt phù hợp với từng loại xe
Dựa vào những thông tin trên bạn đã có thể tự mình chọn dầu nhớt phù hợp cho từng loại xe hoặc tư vấn cho khách hàng khi kinh doanh dầu nhớt. Đầu tiên, bạn cần chọn được loại nhớt trong số 3 loại đã liệt kê trên đây, ưu tiên dầu tổng hợp và bán tổng hợp.
Thay nhớt cần chọn loại dầu nhớt phù hợp cho từng dòng xe
Tiếp theo, cần xem xét loại xe sử dụng nhớt là xe số hay xe tay ga. Đối với xe tay ga nên dùng loại nhớt có JASO MB và xe số nên dùng loại có JASO MA hoặc MA2. Tránh nhầm lẫn vì sự khác biệt trong cấu tạo động cơ của mỗi loại có thể gây nguy hiểm. Đối với cấp chất lượng nhớt API cao nhất là SN, bạn có thể chọn từ SL, SM vẫn rất tốt.
Cuối cùng là độ nhớt (SAE) một tiêu chí quan trọng để chọn được loại nhớt phù hợp. Độ nhớt cho biết tốc độ chảy của nhớt ở nhiệt độ xác định, độ nhớt càng cao thì nhớt càng đặc và ngược lại.
Thông thường, trong sách hướng dẫn sử dụng khi mua xe sẽ có chỉ số độ nhớt khuyến nghị từ nhà sản xuất. Nếu là một người am hiểu về dầu nhớt, bạn có thể tùy ý chọn độ nhớt phù hợp. Ví dụ, với xe mới và đi các quãng ngắn trong nội thành nên dùng độ nhớt như 5w30, 10w30, 10w40. Ngược lại, xe cũ và đi các đoạn đường dài thường xuyên nên chọn độ nhớt cao hơn như 10w50 hoặc 20w50.
Trên đây là những thông tin cơ bản để giúp chọn dầu nhớt phù hợp cho từng loại xe. Khi đã có ý định kinh doanh dầu nhớt, bạn chắc chắn không thể bỏ qua những kiến thức này.
Với phương châm xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm và sự hài lòng tuyệt đối của khách hàng, dầu nhớt Viện hóa luôn mong muốn đa dạng hóa các dòng sản phẩm cũng như mang đến chính sách dịch vụ tốt nhất cho nhà bán lẻ, cửa hàng sửa chữa và khách hàng online.